Hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ở những nơi "không có Tết", hàng trăm con người vẫn đang ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh. Món quà năm mới đối với họ, không gì khác chính là sự hồi phục của bệnh nhân.

Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch, không khí hối hả tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Ký túc xá Đại học Thủy Lợi, quận Đống Đa, Hà Nội.

Dọc dãy hàng lang tầng 11, bác sĩ Ngô Văn An, công tác tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng 3 bác sĩ khác lần lượt gõ cửa từng phòng bệnh.

Bà Nguyễn Thị Trung Liên, 60 tuổi, kể với bác sĩ An rằng khi xuất hiện triệu chứng nghi mắc Covid-19, bà đã tự mua thuốc uống. Sau khi xét nghiệm, bà và con trai cùng nhận kết quả mắc Covid-19. Do tuổi cao, bà được chuyển đến cơ sở thu dung tầng 1, thay vì tự cách ly và điều trị tại nhà. Người con trai đi cùng để tiện chăm sóc mẹ già.

Bác sĩ An hướng dẫn bà Liên về thuốc kháng virus Molnupiravir, giải thích những khuyến cáo và thận trọng. Trong khi đó, một bác sĩ khác đo huyết áp cho bà, thông báo chỉ số bình thường.

Cùng phòng với mẹ con bà Liên, một người phụ nữ lớn tuổi xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ. Bác sĩ chẩn đoán F0 này bị viêm kết mạc, là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh nhân Covid-19 và không quá lo ngại.

Một F0 khác chỉ mới 3 tháng tuổi, nằm trên xe nôi, được bác sĩ An thăm khám. Anh dặn người mẹ pha Oresol cho bé uống để ngắt tiêu chảy. Theo bác sĩ, điều quan trọng nhất khi trẻ em mắc Covid-19 là theo dõi tình trạng tiêu chảy và sốt. Tuyệt đối không để trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể dẫn đến bị co giật và ảnh hưởng vỏ não, sau này nguy cơ bị động kinh.

Nếu trẻ sốt, người nhà phải chườm ấm, chỉ dùng thuốc (ưu tiên Paracetamol viên đặt) nếu sau 15 phút trẻ vẫn không hạ nhiệt. Hạn chế dùng thuốc vì chức năng gan, thận của trẻ phát triển chưa đầy đủ.

Chị Đặng Thị Hồng cho biết, hai mẹ con được đưa vào cơ sở thu dung đầu tháng 1. Khi biết con mắc Covid-19, chị như “chết lặng”, nhiều ngày liền mất ăn mất ngủ. Chuyển đến cơ sở thu dung và được các bác sĩ chăm sóc chu đáo, người mẹ dần trút bỏ được gánh nặng trong lòng.

“Hy vọng có thể kịp về nhà đón Tết cùng gia đình”, chị Hồng nói.

Bác sĩ Khiêm nhớ mãi về sản phụ 28 tuổi, mang thai 28 tuần, mắc Covid-19 nhưng chưa tiêm vaccine. Trong quá trình điều trị, sản phụ bị suy hô hấp nặng, được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) và thở máy. Các bác sĩ cố gắng cầm cự cùng bệnh nhân vì thai nhi non yếu, suy thai. Tuy nhiên, sau hơn một tháng, cả mẹ và con đều không qua khỏi.

 

Mang thai và mắc Covid-19, một sản phụ khác cũng tử vong, nhưng may mắn được các bác sĩ mổ bắt con thành công.

 

Từ 2 trường hợp trên, bác sĩ Khiêm khuyến cáo người tiêm đủ liều vaccine có lợi hơn rất nhiều so với người chưa tiêm, nhất là đối với phụ nữ mang thai – thuộc đối tượng có nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19.

 

Phụ nữ khi mang thai rất nhạy cảm với một số bệnh lý như cúm, bệnh truyền nhiễm. Nếu người bình thường mắc cúm, thì nguy cơ bệnh chuyển nặng rất ít. Nhưng tỷ lệ này với bà bầu rất cao, do đó cần đi khám sớm để được các bác sĩ tư vấn và điều trị đúng “thời điểm vàng”.

 

Nhiều trường hợp mắc bệnh trở nặng từ ngày thứ 6-7, nếu để tự thở thì không thể duy trì sự sống. Lúc này, các bác sĩ phải tính toán các phương án làm sao đảm bảo an toàn cho mẹ, liệu có khả năng giữ được con hay không.

 

Nếu chẩn đoán thai nhi đến tuần tuổi có thể nuôi được, bác sĩ có thể tính phương án mổ đón em bé. Sau phẫu thuật, người mẹ sẽ đỡ bị gánh nặng, được điều trị hồi sức để khỏi Covid-19.