Background

Tin tức

Có một “Mái ấm Không Tên” giữa lòng Sài Gòn hoa lệ

Kfoundation | 22/06/2018

Ngày chủ nhật 17/6/2018, Quỹ Từ thiện Kim Oanh đã ghé thăm các mảnh đời bất hạnh tại số nhà 53 – 55 Lương Ngọc Quyến, phường 13, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Nơi đây hiện đang là nơi sinh hoạt của 30 em cơ nhỡ, mồ côi, và là một mái ấm tự phát nên vẫn chưa có tên. Sau đây chúng tôi xin được phép gọi nơi ấy là Mái ấm Không Tên.



Cơ sở vật chất khó khăn

Nơi Mái ấm Không tên tọa lạc là căn nhà trước đây của UBND cũ của phường 13, quận 8. Các em sống trong nỗi nơm nớp lo sợ bởi chưa biết khi nào UBND quận sẽ có quyết định thu hồi vì đây là tài sản công. Khi chúng tôi hỏi nếu bị thu hồi thì các em có kế hoạch gì không? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được trong nước mắt là “Tụi em cũng chưa biết sẽ đi về đâu! Tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao giờ?…”


Các em đang sinh hoạt tại đây sẽ về đâu? Nếu một ngày Mái ấm bị chính quyền thu hồi?




Các em mưu sinh bằng nghề múa lân sư rồng. Tháng nào có show diễn đều thì được ăn ngon hơn, không thì sẽ ăn uống tằn tiện lại. Nguồn chi phí sinh hoạt của các em chủ yếu đến từ các dịp Tết nguyên đán và Tết trung thu, bởi đây là thời điểm Đoàn lân sư rồng có show diễn nhiều nhất.



Ngày chúng tôi ghé thăm, toàn mái ấm chỉ có loe que 4-5 chiếc xe đạp cũ cà tàng đã xuống cấp. đây là phương tiện đi lại chủ yếu của các em. Hỏi ra mới biết, các anh lớn thường hay đèo các em nhỏ vào mỗi buổi sáng để đưa các em nhỏ đi học, chiều thì lại đón về.


Trong nhà quý nhất có lẽ là chiếc ghế salon bọc da cũ kỹ, đây là chiến lợi phẩm của một lần đoàn lân sư rồng đi diễn về, đi ngang qua con phố, thấy nhà người ta vứt bỏ thì đoàn xin phép nhặt và mang về sử dụng.

Chiếc xe Suzuki này được các mạnh thường quân trao tặng để phục vụ công việc đi diễn lân sư rồng của các em.





Sinh hoạt phí hàng tháng

o Tiền điện, Nước: mỗi tháng dao động từ 2,5-3,5 triệu đồng

o Tiền gạo : Mỗi tháng 3 triệu đồng.


Rau củ quả: Phần lớn sống nhờ tình thương của các cô chú buôn bán ngoài chợ. Hôm nào còn hàng tồn, hơi bầm dập, không còn tươi nhưng dùng được thì các cô chú gọi điện rồi các em ra chợ chở về.


Các em đang chuẩn bị cơm trưa cho Mái ấm




Đặc biệt, dù cuộc sống khó khăn nhưng các em vẫn duy trì được hoạt động nhân đạo của trung tâm suốt 4 năm qua. Cụ thể vào dịp cuối tuần (chủ nhật) các em nấu thêm 15 suất cơm để mang đi phát cho các cụ già neo đơn, lang thang trên địa bàn phường 13, quận 8, Tp Hồ Chí Minh.


Phần thịt gà được các bạn nấu chuẩn bị cho buổi đi phát 15 suất cơm chiều cho các cụ già neo đơn.





Ước mơ của các em


Khi chúng tôi hỏi từng em trong mái ấm về ước mơ của mình thì đa số các em trả lời đều muốn sau này trở thành giáo viên, công an, hay bác sỹ v.v. và rồi chúng tôi mang thắc mắc này hỏi anh Lê Văn Nam (26 tuổi, người quản lý mái ấm không tên) thì mới hay các em ở đây đa phần chưa có giấy tờ tùy thân do vậy không thể nhập học chính quy được mà phải theo học ở các lớp học tình thương của một tổ chức phi lợi nhuận ở quận 4… và anh Nam còn mong muốn mái ấm của mình sẽ được nhà nước công nhận để các em được hưởng trợ cấp của nhà nước.



Kỷ niệm bươn chải dòng đời của anh Nam (quản lý mái ấm)

Kỷ niệm vui nhất: Một lần sau khi đi bán vé số về, bụng đói, đi ngang qua gian hàng của cô bán chè, cạnh bên có các miếu thờ với một chén chè cúng ở đó. Vừa đói, vừa thèm, em lại xin cô được ăn chén chè đó và cô cho, và cũng kể từ đó ngày nào đi bán về ngang qua đây em cũng được cô cho ăn chén chè đó. Đó là kỷ niệm mà em thấy ấm lòng nhất.



Kỷ niệm buồn tủi nhất: Lần đầu tiên em đi bán giấy dò (PV- giấy dò vé số) để kiếm thêm thu nhập, chẳng may đi vào khu vực của các anh “Lớn” thì bị các anh ấy đuổi đánh, vừa bị đòn đau, vừa tủi thân cho số phận. Hôm ấy em khóc suốt từ đường về đến nhà…



Mảnh đời bất hạnh điển hình tại trung tâm
Đó là cuộc đời của hai anh em Phát (6 tuổi) và Phúc (3 tuổi), được biết trong một lần Đoàn lân sư rồng đang biểu diễn trên phố ở Sài Gòn thì có một cụ già đi nhặt ve chai, có hai cháu bé đặt ngồi bên trong xe ba bánh tự chế; đến và nhờ các thành viên mái ấm không tên trông hộ rồi đi luôn không quay lại đón hai em bé.


Chân dung hai anh em bất hạnh Phát (áo xanh 6 tuổi) và Phúc(áo vàng 3 tuổi)




Sau đó Mái ấm đăng báo và tìm đến tận nhà của cụ già này để trao trả đứa bé thì mới hay cụ là bà ngoại của hai em nhưng công việc nhặt ve chai không đủ để nuôi nấng hai em, cho hai em một cuộc sống đủ đầy. Khi hay tin mái ấm có nhận nuôi các em nhỏ cơ nhỡ thì bà mới mang đến gửi, sợ các anh không nhận nên bà phải bỏ lại như vậy.



Tìm hiểu thêm, chúng tôi khá bất ngờ khi biết Phát và Phúc vẫn còn bố và mẹ, nhưng ngặt nổi mẹ em sau nhiều lần bị bố bạo hành nặng đã có vấn đề về thần kinh và đã bỏ các em để đi thêm bước nữa và hiện đã có gia đình mới. Ba của em thì bỏ hai anh em đi về sinh sống ở Biên Hòa, Đồng Nai. Hiện hai em chưa có giấy tờ tùy thân.


Phát và Phúc trong một lần theo chân bà đi nhặt nhạnh ve chai trên chiếc xe 3 bánh tự chế.





Có mặt tại trung tâm, Phúc và Phát vẫn giữ được nét vui tươi, hồn nhiên ở cái tuổi của các em. Ấy vậy mà khi chúng tôi hỏi về việc “Các con có muốn quay lại nhà ngoại sống không?” thì hai em lại dùng đôi tay nhỏ bé, úp lại gương mặt của mình và khóc rấm rức, từng tiếng nấc ngẹn ngào mang theo nỗi tủi thân của các em, khiến chúng tôi thật sự xúc động và cảm thấy chạnh lòng. Nhưng biết làm sao được?



Giây phút nghẹn ngào của bé Phát & Phúc khi nhắc đến “gia đình nhỏ của hai anh em”




 

Gia Khang.

Tin tức liên quan